SULECO XIN CHÚC MỪNG THỰC TẬP SINH NHẬT BẢN NGÀNH KAIGO HÀ THANH NHÀN ĐÃ ĐOẠT GIẢI NHẤT CUỘC THI VĂN HỌC NHẬT NGỮ DÀNH CHO THỰC TẬP SINH KỸ NĂNG LẦN THỨ 28
Vượt qua 2.971 thí sinh tham gia “Cuộc thi Văn học Nhật ngữ dành cho Thực tập sinh kĩ năng lần thứ 28” do JITCO tổ chức, thực tập sinh Kaigo của Suleco Hà Thanh Nhàn đã xuất sắc giành giải Nhất toàn cuộc thi.
Suleco rất tự hào về các bạn, không chỉ là Kaigo Suleco tận tình – tinh tế được các ông bà ở Viện dưỡng lão yêu thương và trân trọng mà khả năng tiếng Nhật của các bạn đã ngày càng vượt trội hơn rất nhiều.
Sau khi JITCO công bố danh sách 28 thí sinh đoạt giải cuộc thi Văn học Nhật ngữ dành cho Thực tập sinh nước ngoài lần thứ 28, Suleco đã có buổi phỏng vấn nho nhỏ cùng với bạn Hà Thanh Nhàn – Giải Nhất thuộc Top xuất sắc nhất của cuộc thi.
– Cảm xúc của em như thế khi biết tin mình đoạt giải nhất cuộc thi Văn học Nhật ngữ dành cho Thực tập sinh nước ngoài lần thứ 28 đó JITCO tổ chức?
Em cảm thấy mình rất là may mắn vì có hơn hai ngàn bài dự thi với nhiều chủ đề khác nhau. Thật sự em bất ngờ lắm, không nghĩ mình có thể đoạt giải Nhất.
Bài thi của em có tựa đề rất thú vị: “Khẩu trang à, tôi không cần đâu!” Em có thể chia sẻ vì sao em lựa chọn đề tài này không?
– Tại em làm ở viện dưỡng lão nên lúc nào cũng muốn các ông bà được vui.
Mà thời gian gần đây lúc nào cũng đeo khẩu trang em giao tiếp với mấy bà cụ cũng khó nữa. Ông bà ở viện lúc này do Covid nên người nhà không được đến thăm, chỉ có tiếp xúc với nhân viên tụi em. Thấy ông bà buồn, tụi em cũng buồn theo. Chính vì vậy em chỉ muốn chọc cho ông bà vui lên và viết những lời động viên ông bà qua bài dự thi này.
Sau hơn một làm việc em thấy thế nào?
– Ai cũng nói nghề này cực hết nhưng em làm riết lại thấy thích cái nghề này. Mọi người ở viện đều đối đãi chân thành, các cụ đều rất nhẹ nhàng, thương em lắm.
Em có định gắn bó lâu dài với nghề Kaigo này không?
– Em vẫn đang cố gắng học tiếng Nhật tốt để thi đậu chứng chỉ Kaigo, để có thể ở viện lâu hơn với các cụ và muốn chứng tỏ cho người Nhật thấy người Việt Nam mình không tầm thường như họ nghĩ.
Cảm ơn em đã dành thời gian chia sẻ. Chúc em luôn khỏe và sớm đạt được ước mơ em nhé!
–oOo—
Sau đây là bài dự thi đoạt giải nhất của Thanh Nhàn được dịch bởi Ngọc Thanh của Suleco:
Khi tôi đến Nhật cách đây 1 năm là lúc hoa anh đào nở rộ, mọi người vui vẻ ngắm hoa. Thế nhưng năm nay không thể thấy được khung cảnh như thế và những cụ ông cụ bà ở cơ sở tôi đang làm việc cũng vậy. Dù là vậy nhưng điều đáng buồn đối với các cụ cũng như đối với tôi hơn việc ngắm hoa, đó chính là không thể nhìn thấy được gương mặt tươi cười của nhau.
Khi tôi về cơ sở làm việc vào tháng Sáu năm ngoái, tôi đã rất bất an, cứ lo nghĩ mãi nhiều thứ như là “các cụ có tốt không?” “Các cụ có hiểu tiếng Nhật còn chưa tốt của tôi không?”. Ngày tôi bắt đầu làm công việc chăm sóc người cao tuổi này, tiếng Nhật tôi không được tốt như hiện tại. Và trong sự khó khăn đó, điều động viên lớn nhất đối với tôi chính là các cụ bên cạnh tôi. Ông bà hiền lành bắt chuyện chậm rãi với tôi, nói chuyện hằng ngày với tôi rất thân tình. Không biết từ lúc nào, nụ cười luôn xuất hiện trên gương mặt tôi rất tự nhiên.
Tôi đã được dạy những kiến thức cần thiết khi làm công việc chăm sóc người cao tuổi ở Nhật. Trong đó, 2 điều cơ bản quan trọng nhất đó là chào hỏi và tươi cười. Từ lúc làm việc đến nay, tôi luôn tâm niệm 2 điều này.
Thế nhưng, hiện tại không đeo khẩu trang là không được. Để phòng ngừa Virus Corona truyền nhiễm, khi làm việc chúng tôi phải đeo khẩu trang suốt. Khác với trước đây, chúng tôi không cần đeo khẩu trang, ông bà có thể thấy được sắc mặc của nhân viên chúng tôi. Và đặc biệt với những cụ lãng tai, chúng tôi sẽ nhìn khẩu hình miệng để hiểu các cụ, và những lúc như vậy hơn hết là khi tiếp xúc các cụ bằng gương mặt tươi cười, ông bà sẽ an tâm hơn nhiều. Thế mà, bây giờ tôi không thể đưa được gương mặt tươi cười này đến các cụ. Hôm trước, có cụ rất thân với tôi nói rằng “Con có hàm răng rất đẹp vậy mà đeo khẩu trang mất rồi. Không thể thấy con cười, thật là tiếc quá”. Các cụ cũng hiểu lý do chúng tôi phải đeo khẩu trang, nhưng tôi hiểu cảm giác của ông bà khi muốn thấy gương mặt tươi cười của nhân viên ở đây. Mỗi ngày nghĩ tới điều này, tôi đều thấy xót xa.
Làm công việc chăm sóc người cao tuổi này, giao tiếp rất quan trọng, và những lúc cùng các cụ cười khi làm việc là điều tuyệt vời nhất với tôi. Nhật bản có câu thành ngữ “Nụ cười là cánh cửa hạnh phúc” có nghĩa là gương mặt tươi cười có thể làm con người hạnh phúc. Nên tôi tin rằng khi tôi làm các cụ cười, tôi cũng sẽ làm các cụ hạnh phúc. Khẩu trang có chức năng là phòng lan truyền virus nhưng đồng thời cũng mang 1 điểm trừ lớn đó là không thể truyền tải được nụ cười.
[Khẩu trang à, tôi không cần đâu] . Sẽ có lúc tâm trạng trở nên như vậy khi làm công việc của tôi. Nhưng bây giờ, an toàn của các cụ là trên hết tôi không còn cách nào khác, thôi đành chấp nhận. Đến khi nào tôi có thể cởi khẩu trang ra an toàn, tôi nhất định sẽ đem hết đầy ắp những nụ cười mà tôi không thể truyền tải lúc này đến các cụ. Cầu mong ngày đó sẽ sớm đến.
BÌNH LUẬN