Mặc dù đứng thứ ba trong những ngôn ngữ khó học nhất thế giới, nhưng Nhật Bản chắc chắn rất tự hào vì nhiều thuật ngữ của họ đang trở thành một xu hướng về từ ngữ. Mottainai (もったいない) là một trong số thuật ngữ đó và điều đáng nể hơn là nó được phổ biến bởi một người Kenya.
Thông điệp Mottainai
Mottainai có ý nghĩa gì và độ lan tỏa của cụm từ này rộng đến đâu? Mời các bạn xem chi tiết trong bài viết sau của Suleco nhé.
1. Nguồn gốc
Mottainai là từ có nguồn gốc trong Phật giáo, mang ý nghĩa bày tỏ sự tiếc nuối với những đồ vật bị mất đi giá trị ban đầu của nó. Do đó, con người cần trân trọng đồ vật mà tận dụng hết mức có thể công dụng của chúng để không gây lãng phí.
Năm 2005, bà Wangari, một nhà hoạt động bảo vệ môi trường người Kenya đồng thời là người đoạt giải Nobel hòa bình năm 2004, có chuyến thăm Nhật Bản vô cùng ấn tượng với thuật ngữ Mottainai. Từ đó, bà đã phát động “Chiến dịch Mottainai” nhằm kêu gọi mọi người tiết kiệm, tránh lãng phí để bảo vệ môi trường.
Chiến dịch Mottainai
Kể từ đó, thuật ngữ Mottainai đã trở nên phổ biến khắp thế giới và mọi người đều hiểu được ý nghĩa của nó dù họ có biết tiếng Nhật hay không.
2. Ứng dụng Mottainai vào cuộc sống
Chính từ ý nghĩa của cụm từ này mà người Nhật cũng như người dân ở khắp nơi trên thế giới quán triệt tinh thần tiết kiệm trong cuộc sống. Thế nhưng, có lẽ là quốc gia sáng tạo ra cụm từ này nên người Nhật ứng dụng Mottainai sáng tạo và tinh tế hơn hẳn.
i. Kiểm soát rác thải:
Nếu ai từng tìm hiểu về nước Nhật hoặc đến Nhật, chắc chắn sẽ “chóng mặt” với hệ thống phân loại rác thải ở Nhật. Nhìn qua, cách phân loại rác có vẻ gây khó khăn cho các hộ gia đình nhưng sâu xa hơn, nó sẽ giúp ích cho địa phương trong việc xử lý và tái chế rác, đúng theo tinh thần Mottainai.
Rác được tái chế
Theo hình trên đây, bạn có thể hình dung người Nhật tái chế vật liệu một cách triệt để thế nào: Không thứ gì bị bỏ phí và mọi thứ đều vẫn có thể sử dụng dù đã trở thành rác.
ii. Tiết kiệm năng lượng:
Trái đất nóng lên kéo theo những biến đổi về khí hậu khó lường. Chiến dịch Mottainai giúp người dân Nhật cùng nhau tiết kiệm năng lượng và hạn chế khí thải ra môi trường. Ví dụ như chiến dịch “Cool Choice” mà Nhà nước phát động được hưởng ứng tích cực.
Chiến dịch “Cool Choice” kêu gọi tiết kiệm năng lượng
Những thói quen như tắt thiết bị điện tử khi không sử dụng, mang túi thân thiện với môi trường, tắt bớt đèn khi không có người, họp online, sử dụng điều hòa ở nhiệt độ phù hợp.
iii. Tiết kiệm trong gia đình:
Người dân Nhật cũng cùng nhau tìm ra những cách tiết kiệm chi tiêu trong gia đình bằng cách không lãng phí trong sinh hoạt hàng ngày. Để khuyến khích tinh thần sáng tạo trong chiến dịch này, Nhật tổ chức những cuộc thi như Mottainai Kitchen (もったいないキッチン)hay Mottainai Recipe Contest (もったいないレシピコンテスト) để tiết kiệm thực phẩm, một trong những thứ bị xem là lãng phí nhất ở đất nước này.
Tiết kiệm trong sinh hoạt gia đình
Tiết kiệm thức ăn, tiết kiêm vật liệu, tiết kiệm năng lượng… không chỉ vì mục đích chi phí sinh hoạt mà còn vì một môi trường xanh, sạch và đẹp. Đó chính là mục tiêu mà Nhật và các nước cùng hướng tới khi thực hiện Mottainai.
iv. Hội chợ Mottainai:
Một trong những cách nhanh và dễ thực hiện nhất với nhiều người là gom những đồ ít hoặc không sử dụng nữa đến các hội chợ hoặc Đoàn/ Hội chuyên về sản phẩm Mottainai. Tùy thuộc vào mục đích của chương trình mà sản phẩm sẽ được tặng lại hoặc bán gây quỹ cho các tổ chức xã hội.
Gây quỹ từ sản phẩm không sử dụng
3. Hoạt động liên quan đến Mottainai
Ở Việt Nam, chiến dịch Mottainai “Trao yêu thương – Nhận hạnh phúc” đã bước sang năm thứ 9 nhằm quyên góp đồ đạc đã qua sử dụng vì các mục tiêu nhân đạo. Chiến dịch do báo Phụ nữ thực hiện hàng năm và hiện nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ những người nổi tiếng.
Ngoài ra, để hướng dẫn cho các em bé tinh thần tiết kiệm từ nhỏ, Nhật Bản đã xuất bản bộ truyện tranh mang tính giáo dục “Mottainai Baasan” (Bà lãng phí/ もったいないばあさん)từ năm 2008. Sách đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt và chuyển thành phim hoạt hình với nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Mottainai và 3R
Với người Nhật, Mottainai không phải là kêu gọi mọi người sống kham khổ hay keo kiệt mà là sống tiết kiệm hợp lý nhằm giảm chi phí sinh hoạt cũng như bảo vệ môi trường. Mottainai cũng là mục tiêu 3R (Reduce: giảm rác thải/ Reuse: Tái sử dụng/ Recycle: Tái chế nguyên vật liệu) mà các nước trên thế giới cùng hướng tới ở hiện tại và cả tương lai.
Các bạn trẻ ơi, chúng ta đã sẵn sàng với tinh thần Mottainai chưa? Hãy cùng nhau thực hiện ngay hôm nay nhé.
BÌNH LUẬN