Xuất khẩu lao động để thoát nghèo

16.04.2024

Biên phòng - Trong khi sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, trang trại, gia trại là chủ lực thì dạy nghề và tạo việc làm, xuất khẩu lao động cũng được xác định là một hướng thoát nghèo bền vững và làm giàu của huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đổi thay nhờ xuất khẩu lao động

Nằm trong danh sách 74 huyện nghèo nhất cả nước, thời gian qua, đời sống của người dân ở vùng cao A Lưới đang thay đổi từng ngày nhờ những chính sách thoát nghèo "hợp tình, hợp lý" của địa phương. Công tác đưa người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đi làm việc ở nước ngoài đã được quan tâm triển khai thực hiện và đạt kết quả đáng kể. Qua đó, giúp người lao động tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Với mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững trong vùng đồng bào DTTS, Thừa Thiên Huế xác định xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp thiết thực trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Vì thế, hằng năm, tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xuất khẩu lao động. Đồng thời, xây dựng kế hoạch rà soát, thống kê danh sách số người nằm trong độ tuổi lao động, tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Trên cơ sở đó, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với khả năng, năng lực của người lao động và đúng pháp luật.

A Lưới là huyện biên giới, đặc biệt khó khăn của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là nơi tụ cư lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy... Với điều kiện đặc thù của huyện miền núi khó khăn, xa xôi, tập quán canh tác còn lạc hậu, một số hủ tục vẫn còn tồn tại... khiến đời sống của đồng bào nơi đây gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Dân số toàn huyện tính đến năm 2022 ước khoảng 53.828 người, gồm 27 dân tộc sinh sống, trong đó có 5 dân tộc chính là Pa Cô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy và Kinh. Người DTTS chiếm trên 77,09% dân số toàn huyện. Cuối năm 2021, trên địa bàn huyện có 7.022 hộ nghèo, chiếm 49,98%, trong đó hộ nghèo DTTS là 6.556 hộ, chiếm 93,36%.

Thiếu việc làm cho thu nhập ổn định là nguyên nhân căn bản khiến tỷ lệ hộ nghèo trong thanh niên tại huyện A Lưới còn ở mức cao. Theo thống kê hiện nay, trên toàn địa bàn huyện có 1.440 hộ thanh niên nghèo, chủ yếu là người DTTS. Nhờ xuất khẩu lao động, nhiều lao động ở vùng cao, vùng khó khăn là người DTTS trên địa bàn huyện có thu nhập khá và thoát nghèo. Có thể thấy, xuất khẩu lao động là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đã được các địa phương đẩy mạnh triển khai nhằm giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập cho gia đình và địa phương. Thực tế cho thấy, cuộc sống của nhiều hộ gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động đúng pháp luật đến nay ở các địa phương đều được cải thiện đáng kể, bà con có điều kiện sửa sang, xây mới nhà ở, mua đồ dùng sinh hoạt và tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi.

Sau các phiên giao dịch việc làm tại các địa phương vùng cao, đồng bào DTTS đã có nhiều thay đổi về lựa chọn việc làm, mang lại thu nhập ổn định. Chị Hồ Thị Khay ở xã Hồng Vân (huyện A Lưới) mạnh dạn đi xuất khẩu lao động theo “đơn hàng” giúp việc ở Đài Loan, sau khi trừ mọi chi phí sinh hoạt, mỗi tháng, chị được nhận lương 9 triệu đồng. Chị dành dụm, tích lũy hơn 200 triệu đồng sau hai năm lao động ở nước ngoài, khi trở về quê hương, chị mở hàng tạp hóa, ổn định cuộc sống, kinh tế khá giả.

Cũng như chị Khay, chị Bùi Thị Hằng, anh Lê Văn Đua đi lao động ở Đài Loan, anh Hoàng A Xít đi Nhật Bản, anh Hồ Văn Níu đi Romania... Hàng tháng, họ gửi về phụ giúp gia đình từ 15- 20 triệu đồng. Anh Hoàng A Xít chia sẻ, nhờ lao động ở nước ngoài mới ổn định cuộc sống, có cơ hội vươn lên khá giả. Từ nguồn thu nhập xuất khẩu lao động, gia đình anh xây được nhà kiên cố, khang trang. Anh Xít còn tích lũy vốn để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, hướng tới mở rộng lập trang trại chăn nuôi bò, dê, trồng chuối và kinh doanh dịch vụ tổng hợp. Tương tự, “từ khoản tiền tiết kiệm gần 150 triệu đồng sau một năm đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, tôi đã đầu tư trồng chuối, chăn nuôi bò và gà, phấn đấu làm giàu trên mảnh đất quê hương” - anh Lê Văn Đua chia sẻ. Qua thời gian đi lao động nước ngoài, anh học hỏi được các kỹ năng, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp sạch để có sản phẩm sạch đưa ra thị trường.

Cũng như thế, chị Hằng (thôn Talo Hố, xã biên giới Hồng Vân) xuất khẩu lao động theo hợp đồng 3 năm, gia đình chị đã sửa sang nhà cửa khang trang. Bây giờ, tiền kiếm được đã được đầu tư vào việc trồng keo, tràm, vươn lên làm giàu bền vững. Cách đó không xa, từ số tiền đi xuất khẩu lao động gửi về, vợ chồng anh Kia (thôn Kê, xã biên giới Hồng Vân) đã cải tạo vườn, xây hàng rào, trồng chuối, trồng keo.

Nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bào DTTS đi xuất khẩu lao động

Thời gian qua, Huyện đoàn A Lưới cũng đã xây dựng kế hoạch, đặt ra chỉ tiêu trong năm 2023 có trên 80 thanh niên đi lao động ở nước ngoài, giao chỉ tiêu cụ thể cho tổ chức đoàn cơ sở để có những giải pháp tuyên truyền, định hướng, khuyến khích thanh niên tham gia xuất khẩu lao động. Đặc biệt, sử dụng những gương thanh niên tại địa phương đã thành công trong việc đi xuất khẩu lao động để tuyên truyền, giải đáp thắc mắc, lo lắng của thanh niên. Trong 9 tháng vừa qua, Huyện đoàn đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 47 buổi hội thảo, đưa thông tin về xuất khẩu lao động đến gần với bà con nhân dân và đặc biệt là hơn 2.100 đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện. Nhiều gia đình có con em đi xuất khẩu lao động không những thoát nghèo, có cuộc sống khá hơn các hộ khác trong xã, mà còn vươn lên làm giàu chính đáng.

Điều đáng ghi nhận ở những gia đình có người đi xuất khẩu lao động là họ đã góp phần làm thay đổi rõ rệt bộ mặt huyện nhà, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 49,98% xuống còn 38,2% cuối năm 2022. Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2023, Huyện đoàn A Lưới phấn đấu tư vấn, giới thiệu việc làm cho 300 lao động trong nước và đưa được 80 người đi xuất khẩu lao động. Một tín hiệu đáng mừng là từ đầu năm đến nay, đã có 12 thanh niên DTTS được tuyển dụng sang Nhật Bản làm việc, 37 thanh niên khác đậu đơn hàng, đang chờ xuất cảnh và hơn 40 thanh niên đang học tiếng.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới thông tin, từ đầu năm 2023, huyện A Lưới đã xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động để phục vụ việc hoạch định các chính sách về lao động, việc làm trên địa bàn huyện. UBND huyện ban hành kế hoạch đào tạo nghề cho người trong độ tuổi lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, phối hợp với các công ty: Daystar, Suleco, Sao Kim, NNL Vinamoto, NNL Thái Bình Dương, XKLĐ Hoàng Long CMS để xúc tiến hợp đồng cho người dân đi lao động nước ngoài. Trong năm 2023, A Lưới dự kiến tổ chức đào tạo nghề cho trên 1.030 người, đồng thời, thực hiện tốt chính sách tín dụng hỗ trợ lao động đi làm việc nước ngoài có thời hạn, làm việc tại các khu chế xuất công nghiệp trong và ngoài tỉnh cho lao động hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

Công ty Suleco - một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đưa người đi lao động ở nước ngoài cũng đã trình bày dự án đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó, mục tiêu của dự án từ nay đến năm 2025 đưa được 4.800 đến 5.000 lao động của Thừa Thiên Huế ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Thị trường chủ yếu là Nhật Bản. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, đưa 2.618 lao động tại huyện A Lưới đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, gắn với giảm nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Văn Hải thông tin, để công tác xuất khẩu lao động được thực hiện có hiệu quả, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện A Lưới đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lựa chọn doanh nghiệp xuất khẩu lao động có đủ năng lực, cam kết cung cấp đủ hồ sơ liên quan để người lao động được hưởng chế độ theo quy định. Đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền, tập huấn tại các xã để người lao động được biết và đăng ký tham gia xuất khẩu lao động. Với sự vào cuộc tích cực của sở, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương, công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện A Lưới đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, nhiều gia đình tham gia xuất khẩu lao động không những thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ khá giả.

Theo báo Biên phòng