Khi đọc Doraemon, độc giả thường gặp hình ảnh những người bạn nhỏ ngồi quỳ trên nền nhà hoặc trên đệm Futon. Những căn phòng dù là của Nobita, Shizuka hay Jaian luôn được lót bằng những tấm chiếu có đường viền rõ nét. Đó chính là chiếc chiếu cói có tên gọi Tatami, một văn hóa đặc trưng của Nhật Bản.
1. Cấu tạo chiếu Tatami
Tương tự với chiếu của Việt Nam, chiếu Tatami của Nhật cũng được làm từ cói và vải. Tuy nhiên, phần cói sẽ được sử dụng làm bao chiếu, phần vải làm viền chiếu. Tatami của Nhật đặc biệt hơn là có lớp lõi chiếu được làm từ rơm và hiện nay vật liệu được dùng làm lõi chiếu từ nhựa hoặc ván ép.
Chiếu Tatami gồm 3 lớp
Tatami có kích thước phổ biến là 910mm x 1.820mm (tương đương 1,8m x 0.9m). Tuy nhiên, Tatami còn 3 loại kích thước chuẩn khác được áp dụng ở từng địa phương, nhưng nhìn chung tỷ lệ các cạnh của chiếu Tatami sẽ là 2:1.
Các kích thước của chiếu Tatami
2. Lịch sử của chiếu Tatami
Trong tiếng Nhật, Tatamu (畳む) có nghĩa là xếp, gấp. Thời Heian cách đây 1.400 năm, chiếu được sử dụng để làm chỗ ngồi cho tầng lớp quý tộc và sau khi sử dụng sẽ được xếp lại cất gọn. Đến thời Muromachi năm 1336-1573, kiến trúc Shoin zukuri (書院造) tập trung vào nghi lễ và hình thức, chú trọng không gian tiếp đón khách và thực hiện lễ nghi nên chiếu Tatami được sử dụng để lót toàn bộ sàn nhà.
Thời Heian, Tatami là chỗ ngồi cho tầng lớp quý tộc
Thời Edo, chiếu Tatami được sử dụng rộng rãi, trở thành hiện tượng từ thành thị đến nông thôn Nhật Bản đến mức được sử dụng như một đơn vị đo diện tích phòng ở. Đây cũng là hình mẫu cho ngôi nhà truyền thống của Nhật Bản kéo dài đến ngày nay.
Thời Edo, chiếu Tatami trở nên phổ biến
3. Cách trải chiếu Tatami
Tatami có 4 loại kích thước nhưng chỉ có 2 cách trải là Shyugi Shiki/ 祝儀敷きvà Fushyugi Shiki/ 不祝儀敷き. Shyugi Shiki là cách trải Tatami phổ biến, dùng trong gia đình ở Nhật. Nguyên tắc chung của cách trải này là hình chữ T (các cạnh ngắn sẽ tiếp giáp với cạnh dài) và các góc của chiếu không được chụm lại một điểm.
Cách trải Shyugi Shiki/ 祝儀敷き
Với cách trải Fushyugi Shiki, quy tắc trải đơn giản và chỉ dùng trong các sự kiện có tính đau buồn, mất mát như tang lễ, cầu nguyện. Ngoài ra, các đền chùa cũng thường áp dụng cách trải này. Các tấm chiếu sẽ được trải theo chiều ngang hoặc chiều dọc cho đến hết căn phòng.
Cách trải Fushyugi Shiki/ 不祝儀敷き
4. Quy tắc trong phòng trải chiếu Tatami
Người Nhật không đi giày dép trong nhà, đó là phong tục. Đối với phòng trải chiếu Tatami thì điều này là tuyệt đối không được vì nó góp phần làm hư hại bề mặt chiếu Tatami. Ngoài ra, trong phòng trải Tatami sẽ sử dụng Futon (đệm) để ngồi. Thế nên, việc giẫm lên Futon hoặc ngồi xếp bằng trên đệm là không đúng.
Khách không đi giày. dép trong phòng dùng chiếu Tatami
Việc đi lại trong căn phòng dùng chiếu Tatami cũng cần lưu ý. Các tấm chiếu đều có phần viền và đạp lên phần viền chiếu là điều tối kỵ. Các căn phòng của Nhật thường dùng cửa lùa và khi bước vào căn phòng dùng chiếu Tatami thì khách không được phép đạp lên bệ hoặc rãnh cửa.
Khách không được đạp lên viền chiếu Tatami
5. Tatami với xã hội Nhật hiện đại
Theo thống kê vào tháng 5.2022, có khoảng 70% số người được hỏi trả lời rằng căn nhà của họ vẫn có những phòng trải chiếu Tatami trong 4.000 người được khảo sát. Nhóm này rơi nhiều vào những người trên 40 tuổi, nghĩa là giới trẻ ít chuộng căn phòng trải Tatami hơn. Lý do là các tấm chiếu có giá thành tương đối cao, khó vệ sinh và khó bảo quản.
Người già thích sử dụng chiếu Tatami hơn thanh niên
Dù vậy, chiếu Tatami vẫn là linh hồn, là đặc trưng khi nói và nghĩ về Nhật Bản. Bỏ qua những yếu tố về giá cả hay bảo quản thì sự thật không thể phủ nhận là chiếu Tatami tạo ra không khí “Đông ấm, hè mát” cực kỳ phù hợp với thời tiết Nhật Bản; đem lại cảm giác yên bình, nhẹ nhõm cho người dùng khi ở trong căn phòng có trải Tatami.
Những căn nhà vẫn dùng Tatami