Ngày 07/07 vừa qua, Lễ hội Tanabata với chủ đề “Mùa hè rực rỡ” do Suleco tổ chức chính thức diễn ra với sự tham gia của hơn 500 học viên, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cùng Ban lãnh đạo và Thầy, Cô tại trường.
Đây là một trong những hoạt động thường niên của Trường Trung cấp Suleco, ngoài chương trình học được thiết kế chỉn chu và bài bản, trường còn mong muốn mang đến không gian trải nghiệm mới mẻ cho toàn thể học viên nơi đây, sớm có cơ hội hòa nhập nhanh chóng với văn hóa, con người Nhật Bản thông qua chuỗi hoạt động ý nghĩa này và chuẩn bị cho hành trình mới tại “Xứ sở Hoa anh đào”.
Tại sự kiện, thầy Phạm Quốc Thắng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Suleco phát biểu khai mạc chương trình, với thầy “Sự hiện diện của các bạn học viên tại sân trường Suleco ngay lúc này tương tự như câu chuyện giữa chàng Hikoboshi và nàng Orihime. Với cơ duyên này, Suleco không chỉ mang đến cơ hội mà còn là tri thức, kỹ năng để các bạn có thể sớm hoàn thành ước mơ của mình trong thời gian tới tại Nhật Bản.”
Theo kế hoạch, chương trình còn mong muốn nâng cao tinh thần kết nối, cởi mở chia sẻ giữa mỗi học viên thông qua chuỗi hoạt động thú vị như: Triển lãm Lồng đèn, Cuộc thi “Rung chuông vàng” song song các phần trò chơi vận động và tiết mục trình diễn đa thể loại.
Mở đầu chương trình là những chiếc lồng đèn đầy bắt mắt, được làm từ nhiều vật liệu đơn giản nhưng đầy tinh tế. Hơn hết, mỗi tác phẩm thể hiện một ý nghĩa nhất định. Sau phần hội ý, Ban giám khảo đã chọn ra 4 chiếc lồng đèn thuyết phục nhất, không chỉ nổi bật bởi kiểu dáng, cách trang trí mà sâu sắc về ý nghĩa khi kết nối đến văn hóa, con người giữa Việt Nam và Nhật Bản từ các lớp N03C, N06, N04B và N03-01.
Tiếp nối sự hào hứng trên, cuộc thi “Rung chuông vàng” khởi động với sự hiện diện của 36 thí sinh đến từ 12 lớp tại Suleco. Sau loạt câu hỏi về kiến thức cuộc sống và con người Nhật Bản, chương trình đã tìm ra gương mặt tiêu biểu nhất là bạn Mai Hồ Hải Đăng đến từ lớp N11.
Với sự hăng hái của học viên, chương trình tiếp tục đưa ra thử thách mang tinh thần đồng đội như: Truyền nước vào chai, Kiệu người trên dây và Gà đẻ trứng vàng,.. Bên cạnh đó, sau loạt khoảnh khắc vui chơi đầy hăng say, ngay tại sân Trường Suleco được bày biện thêm các gian hàng ẩm thực ăn uống hấp dẫn, phục vụ toàn thể học viên và khách mời tham dự.
Đặc biệt, trong hơn 2 tiếng cuối cùng trước khi kết thúc chương trình, sự xuất hiện đầy mới lạ của 12 đội với các tiết mục mang màu sắc quê hương Việt Nam và tinh thần Nhật Bản đã mang lại không khí vô cùng sôi động và ấn tượng.
Lễ hội Tanabata là gì?
Cũng giống như Việt Nam và một số quốc gia Á Đông khác, người Nhật cũng có ngày lễ Thất tịch. Ngày lễ Thất tịch của Nhật thường được gọi là Tanabata.
Được biết, vào thời điểm bắt đầu vào tháng 8, người dân “Xứ sở hoa anh đào” vẫn thường mong chờ cơn mưa mát mẻ vào ngày 07/07 âm lịch. Tương truyền, cơn mưa đó chính là những giọt nước mắt của chàng chăn bò Hikoboshi và tiên nữ Orihime khi cả hai gặp lại nhau sau một năm dài xa cách.
Câu chuyện tình yêu của Hikoboshi và Orihime có khá nhiều điểm tương đồng của Ngưu Lang và Chức Nữ quen thuộc với người Việt Nam. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, vào ngày này, người ta không chỉ nhắc đến tình yêu của Hikoboshi và Orihime mà còn chào đón một ngày hội với nhiều hoạt động đậm yếu tố bản địa có tên gọi là Tanabata Matsuri.