Nhật Bản “mở cửa” đón lao động tay nghề cao

11.03.2024

Ðang tìm lời giải cho bài toán già hóa dân số, Nhật Bản đồng thời phải đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động tay nghề cao trong nhiều ngành, như sản xuất, xây dựng hay nông nghiệp. Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tăng hơn gấp đôi số thị thực cấp cho lao động tay nghề cao trong 5 năm tới.

Theo số liệu mới được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố đầu năm 2024, lần đầu trong lịch sử có hơn 2 triệu người nước ngoài đang lao động tại Nhật Bản và con số này được dự báo còn tiếp tục tăng do tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng trầm trọng.

Trong những nỗ lực mới nhất, Chính phủ Nhật Bản xem xét bổ sung các ngành vận tải đường bộ, đường sắt và khai thác, sản xuất lâm nghiệp vào danh sách cấp thị thực cho lao động tay nghề cao. Nhật Bản có kế hoạch tăng hơn gấp đôi hạn mức cấp thị thực lao động có tay nghề cao cho người nước ngoài đủ điều kiện, lên hơn 800.000 người, trong giai đoạn 5 năm bắt đầu từ tháng 4/2024.

Chính phủ Nhật Bản đưa ra hạn mức mới dựa trên những dự báo về tình trạng thiếu lao động có thể xảy ra trong một số ngành nghề nhất định, bất chấp việc người sử dụng lao động tăng lương và thực hiện những thay đổi khác nhằm thu hút nhân tài. Hạn mức mở rộng được áp dụng đối với những ứng viên tham gia chương trình “kỹ năng đặc định”, vốn được triển khai từ năm 2019 dành cho người lao động nước ngoài có kỹ năng chuyên môn và thành thạo tiếng Nhật. Chính phủ Nhật Bản đã giới hạn số thị thực được cấp theo chương trình này ở mức 345.000 người trong giai đoạn 5 năm, cho đến hết tháng 3/2024. Theo những thống kê đến tháng 11/2023, có khoảng 200.000 người nước ngoài đang làm việc tại Nhật Bản theo chương trình này.

Tham gia chương trình “kỹ năng đặc định”, người lao động nước ngoài có thể làm việc ở một trong 12 lĩnh vực theo quy định. Hầu hết lao động nước ngoài nằm trong nhóm “kỹ năng đặc định loại 1”, được cấp thị thực làm việc tại Nhật Bản trong thời gian tối đa 5 năm. Khi vượt qua các bài kiểm tra hoặc có thêm chứng chỉ hành nghề, người lao động có thể xin cấp thị thực “kỹ năng đặc định loại 2”, cho phép cư trú tại Nhật Bản vô thời hạn, đưa các thành viên trong gia đình đến và tiến tới nộp đơn xin thường trú. Tính đến cuối tháng 11/2023, mới chỉ có 29 lao động nước ngoài có tay nghề cao được cấp thị thực “kỹ năng đặc định loại 2” ở Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất mở rộng phạm vi cấp thị thực theo chương trình lao động “kỹ năng đặc định”, bổ sung bốn lĩnh vực, nâng tổng số lên thành 16 ngành.

Theo một số dự báo, đến năm 2100, khoảng 10% dân số Nhật Bản sẽ là người nước ngoài. Cuối tháng 2/2024, Chính phủ Nhật Bản cũng đã nới lỏng các quy định về thị thực để mở rộng phạm vi ngành nghề sinh viên nước ngoài được phép ở lại và tìm việc làm, đáp lại lời kêu gọi từ giới doanh nghiệp và học thuật nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhân lực. Chính phủ Nhật Bản mở rộng danh sách ngành nghề cho phép sinh viên nước ngoài có thể ở lại làm việc theo thị thực “hoạt động được chỉ định”.

Theo Cục Xuất nhập cảnh Nhật Bản, các trường kỹ thuật do nhà nước chỉ định sẽ cung cấp các chương trình đặc biệt, bao gồm đào tạo thực hành tại các công ty. Quy định này được kỳ vọng có thể thu hút thêm khoảng 3.000 sinh viên nước ngoài ở lại Nhật Bản mỗi năm trong bối cảnh đất nước Mặt trời mọc tiếp tục đối mặt bài toán thiếu hụt lao động nan giải.

Theo Báo Nhân Dân