TP.HCM đặt mục tiêu kéo tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 4% trong năm 2025

19.02.2025

Theo thông tin từ Sở LĐTBXH TP.HCM, năm 2025, tình hình kinh tế của TP.HCM có khả năng tăng trưởng cao, qua đó các vấn đề liên quan lao động, giải quyết việc làm sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.

Ngày 13/2, tại buổi họp báo về các vấn đề kinh tế xã hội trên địa bàn TP.HCM, Sở LĐTBXH đã cung cấp các thông tin xoay quanh tình hình lao động, giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố. 

Năm 2024, tỉ lệ thất nghiệp tại TP.HCM kéo giảm còn 3,81%

Về tình hình lao động - việc làm năm 2024 tại TP.HCM, Sở LĐTBXH cho biết kinh tế TP.HCM năm 2024 tiếp tục duy trì đà phục hồi ổn định trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều dấu hiệu khả quan. 

Theo số liệu thống kê, dân số trung bình là 9.54 triệu người, tăng 0,92% so với năm 2023, lực lượng lao động từ 51 tuổi trở lên có việc làm là 4,73 triệu người, tăng 1,5% (tương đương 71,8 nghìn người) so với năm trước. 

du-kien-kinh-te-hcm-2025 (1)

Thị trường lao động có nhiều tín hiệu khởi sắc nhờ các hoạt động kết nối cung cầu lao động linh hoạt và hiệu quả. Các thành phần kinh tế đã thu hút, giải quyết việc làm cho 329.687 người, số chỗ việc làm mới đạt được là 150.046 chỗ, tỉ lệ thất nghiệp năm 2024 kéo giảm còn 3,81%.

Năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố thuộc Sở LĐTBXH đã tiếp nhận 143.338 người nộp hồ sơ, giảm 13,72% so với cùng kỳ năm 2023 là (166.126 hồ sơ). Số người có quyết định về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp là 143.598 người (tính số quyết định được ban hành từ ngày 2/1/2024 đến ngày 31/12/2024). Trong đó, số người đến nhận quyết định hưởng trợ cấp là 139.962 người, giảm 13,88% so với cùng kỳ năm 2023. 

Qua phân tích cho thấy độ tuổi từ 24 tuổi trở xuống là 12.974 người (chiếm 9,03%), từ 25-40 tuổi là 90.203 người (chiếm 62,82%), trên 40 tuổi là 40.421 người (chiếm 28,15%). Theo Sở LĐTBXH, lý do số người hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm là bởi bên cạnh tình hình kinh tế khởi sắc, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động nhiều hơn. 

Ngoài ra, trong năm 2024, công tác kết nối, giới thiệu việc làm được triển khai với sự phối hợp của các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các ban, ngành có liên quan. 

Năm qua, ngoài các sàn giao dịch trực tiếp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố còn tổ chức nhiều sàn trực tuyến trên địa bàn thành phố và có sự kết nối với các tỉnh lân cận, giúp người lao động có thêm nhiều sự lựa chọn, nhanh chóng có việc mới ngay sau khi kết thúc công việc cũ.

Năm 2025, TP.HCM đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 300.000 lượt lao động

Theo Sở LĐTBXH TP.HCM, các kết quả kinh tế tích cực trong năm 2024 sẽ tạo tiền đề cho năm 2025 tăng trưởng cao, đồng nghĩa với sự phát triển của các thành phần kinh tế trên địa bàn Thành phố. Trong năm 2025, mục tiêu đặt ra là tiếp tục triển khai các giải pháp về lao động - việc làm để giải quyết việc làm cho 300.000 lượt lao động. Trong đó, số chỗ việc làm mới là 140.000 chỗ, tỷ lệ thất nghiệp đô thị kéo giảm dưới 4%.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Sở LĐTBXH sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan ban ngành, đoàn thể để tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu. 

du-kien-kinh-te-hcm-2025 (2)

Cụ thể, sở sẽ thường xuyên nắm bắt tình hình tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp. Tăng cường sự phối hợp giữa Liên đoàn Lao động Thành phố, Bảo hiểm xã hội Thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Công an Thành phố, các sở, ban, ngành, quận, huyện, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Thành phố, Ban quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố về tình hình lao động việc làm, quan hệ lao động trên địa bàn.

Bên cạnh đó, triển khai ngay từ đầu năm các phiên, sàn giao dịch việc làm, thực hiện kết nối cung - cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động để giúp họ nhanh chóng tiếp cận nhu cầu tuyển dụng tại các doanh nghiệp.

Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Niên thuộc Thành Đoàn TP.HCM thực hiện Chương trình Tiếp sức người lao động, đây là chuỗi chương trình có tính liên kết vùng với sự tham gia của một số tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên...

Cuối cùng, sở sẽ triển khai các chương trình tiếp nhận lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo chương trình thỏa thuận hợp tác giữa Việc Nam và một số nước (Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức, Úc) nhằm giúp cho người lao động có nhiều sự lựa chọn trong việc gia nhập thị trường lao động.

Theo Dân Việt